Bên cạnh mẫu máy bay không người lái
(UAS) lớn nhất, bay cao nhất và có thời gian bay dài nhất Global
Observer thì mới đây, công ty phát triển công nghệ hàng không và năng
lượng AeroVironment đã đặt thêm một bước tiến mới trong lĩnh vực hàng
không với chiếc máy bay siêu nhỏ Nano Hummingbird. Khác với các UAS
thường thấy, Nano Hummingbird rất giống với một chú chim ruồi thật sự
bởi nó bay bằng cách vỗ cánh và sử dụng một nguồn điện độc lập thay vì
dùng động cơ đẩy. Mặc dù có cách thức hoạt động đặc biệt như vậy nhưng
AeroViroment cho biết họ đã thành công trong việc điều khiển máy bay một
cách linh hoạt.
Nguyên mẫu hoàn tất của Nano Hummingbird được chế tạo bằng tay. Nano
Hummingbird có sải cánh dài 16 cm, nặng chỉ 19 gram - nhẹ hơn trọng
lượng của một viên pin AA. Mặc dù có kích thước khá bé nhưng nhóm phát
triển UAS của AeroVironment đã cố gắng trang bị đầy đủ các hệ thống cần
thiết cho hoạt động của máy bay như pin, mô-tơ, hệ thống giao tiếp và cả
một chiếc camera quan sát.
Do có cấu tạo và cách thức hoạt động không khác một chú chim thật, Nano
Hummingbird có thể bay tại chỗ, bay từ dưới lên trên hoặc lộn nhào theo
phương thẳng đứng, bay sang ngang, tới và lui, theo chiều kim đồng hồ và
ngược chiều kim đồng hồ, bay vòng tròn 360 độ. Tất cả đều được thực
hiện thông qua một bộ điều khiển từ xa.
Phần vỏ bảo vệ của Nano Hummingbird được thiết kế đặc biệt để nó trông
giống một chú chim ruồi thật. Phần vỏ này có thể tháo rời và thay thế.
Bước tiến mới của AeroVironment đã hoàn tất giai đoạn 2 của chương trình
thiết kế và chế tạo nguyên mẫu máy bay không người lái giống chim ruồi
Nan Air Vehicle kí kết cùng cơ quan phát triển các giải pháp phòng thủ DARPA.
Để đáp ứng các yêu cầu đặt ra theo bản hợp đồng với DARPA thì AeroVironment cần phải:
Chứng minh khả năng bay lượn chính xác của máy bay trong bán kính 2 m với thời gian là 1 phút;
Chứng
minh tính ổn định khi bay của UAS trong điều kiện gió mạnh, máy bay vẫn
có thể bay tại chỗ và chịu được sức gió 2 m/s thổi từ 2 bên mà không bị
lệch hướng theo chiều gió (giới hạn độ lệch dưới 1 m);
Chứng minh khả nay bay lượn liên tục trong vòng 8 phút mà không cần đến nguồn năng lượng bên ngoài;
Chứng
minh khả năng kiểm soát, chuyển đổi giữa các trạng thái bay như bay tại
chỗ sau đó tăng tốc hướng tới và bay giật lùi để trở lại trạng thái ban
đầu;
Chứng minh khả năng bay từ ngoài trời vào trong nhà và ngược lại thông qua các cánh cửa có kích thước trung bình;
Chứng
minh khả năng bay chúi mũi tầm thấp trong nhà với điều kiện phi công
điều khiển phải thực hiện các thao tác từ xa, chỉ quan sát qua camera
tích hợp trên Nano Hummingbird;
Chứng minh khả năng điều khiển
máy bay bay tại chỗ và tiến nhanh lên phía trước với phần thân và cánh
đã được ngụy trang giống chim ruồi.
AeroVironment cho biết Nano Hummingbird không chỉ đáp ứng đầy đủ các
điều kiện trên mà còn có thể thực hiện được nhiều hơn những yêu cầu đặt
ra.
Khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang là những mối quan tâm
lớn nhất của cả thế giới hiện nay về tương lai của trái đất và loài
người. Sự khai thác và sử dụng quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch vào
cuối thế kỷ 20 đã khiến trữ lượng của chúng giảm nhanh và nhiều đến mức
báo động, đồng thời gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Với tính hình
đó, nhiều nguồn năng lượng mới, sạch và dễ tái tạo hơn đã được nghiên
cứu và phát triển như sức nước, sức gió, ánh nắng mặt trời, sóng
biển.... Các công nghệ này, một số đã đi vào ứng dụng thực tế, còn lại
vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, do đó dù ít hay nhiều con người vẫn
đang phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu
mới đây tại Mỹ cho biết trong khoảng 20 - 40 năm nữa, con người có thể
thay thế hoàn toàn năng lượng hóa thạch bằng các dạng năng lượng tái tạo
được, từ đó xây dựng một thế giới xanh, sạch hơn.
Nghiên
cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia đến từ 2 trường đại học lớn là
California - Davis và đại học Standford, Mỹ với 2 đồng tác giả là Mark
Z.Jacobson và Mark Delucci. Nghiên cứu gồm 2 phần, có mục tiêu không chỉ
đánh giá các công nghệ cần thiết, mà còn xem xét đến khía cạnh chi phí
và những yêu cầu về nguyên liệu để sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo
được.
Kết quả của nghiên cứu đã vẽ lên một bức tranh về thế giới, trong đó
điện là yếu tố then chốt cho mọi hoạt động của con người, với 90% sản
lượng điện được sản sinh từ gió và ánh sáng mặt trời. 10% còn lại được
đóng góp bởi nhiệt năng trái đất (geothermal), thủy điện, sóng biển và thủy triều. Đối với nhu cầu vận chuyển đi lại của người dân, ôtô, xe máy, tàu thuyền và xe lửa
sẽ được vận hành bằng điện và khí hydro trong khi máy bay sẽ được bơm
đầy hydro lỏng. Các quá trình sản xuất công nghiệp và thương mại cũng sẽ
sử dụng 2 nguồn năng lượng này để hoạt động. Trong các gia đình, lò
sưởi điện sẽ thay thế lò sưởi gas và than đá, trong khi mặt trời sẽ đun
nóng nguồn nước dùng.
Theo Jacobson "Nhóm nghiên cứu muốn đánh giá những yếu tố cần thiết để
thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng hiện nay bằng các nguồn năng
lượng sạch bền vững trong khoảng 20 - 40 năm nữa". Để đạt được mục tiêu
trên, chúng ta phải bảo đảm rằng đến năm 2030, toàn bộ năng lượng của
thế giới được cung cấp từ gió, nước và ánh sáng mặt trời. 20 năm sau,
tức năm 2050, cơ sở hạ tầng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sẽ được thay
thế hoàn toàn. Khi thành công, dự án sẽ cứu sống sinh mạng của hàng
triệu người do giảm mức độ ô nhiễm môi trường, đồng thời sẽ giảm 30% nhu
cầu năng lượng của thế giới.
Ý tưởng là thế, song việc triển khai còn gặp một số vấn đề. Đầu tiên là
sự khác nhau giữa các nguồn năng lượng, ví dụ như gió và ánh sáng mặt
trời. Mặt trời phát nhiệt nhiều nhất vào ban ngày, trong khi cường độ
gió lại mạnh hơn về đêm. Do đó, 2 nguồn năng lượng này có thể được nhập
lại thành một hệ thống duy nhất, hỗ tương nhau, với thủy điện sẽ đóng
vai trò phụ trợ khi chuyển giao giữa 2 thời điểm. Bên cạnh đó, tính chất
khác nhau về địa lý cũng là một trở ngại không nhỏ. Tại những vùng ít
gió hoặc ít nắng, chúng ta không thể triển khai các nhà máy sản xuất
điện được mà phải dẫn năng lượng từ những vùng "màu mỡ" hơn. "Với hệ
thống sử dụng 100% sức gió, nước và mặt trời, chúng ta không thể sử dụng
các phương pháp bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Chúng ta
phải xây dựng những hệ thống "siêu mạng lưới" với phạm vi phủ sóng xa và
khả năng quản lý tốt để điều chuyển năng lượng giữa các vùng", dẫn lời
Delucci.
Mặc dù một số dạng năng lượng như thủy điện, gió hay ánh sáng mặt trời
đã được áp dụng vào thực tế, nhưng ngoại trừ thủy điện, tỷ lệ % năng
lượng cung cấp bởi các nguồn năng lượng mới này vẫn còn rất thấp. 20 -
40 năm không hẳn là dài, nhưng nó đòi hỏi một sự thay đổi trên diện rộng
với sự nỗ lực của không chỉ 1, 2 quốc gia mà của toàn thế giới. Mặc dù
vậy, một trái đất xanh, sạch, phát triển bền vững là mong muốn của cả
nhân loại, và khi con người đồng lòng chung sức, không có gì là không
thể.
Với những ai đã từng sống ở vùng khí hậu ôn và hàn đới thì không có gì
khó khăn và nguy hiểm bằng việc lái xe giữa mùa đông trên con đường đóng
băng trơn trợt. Trong đợt bão tuyết vừa qua ở Mỹ và Châu Âu, nhiều vụ
tai nạn giao thông đã xảy ra do người lái mất quyền kiểm soát phương
tiện vì đường quá trơn. Từ thực tế này, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra
những ý tưởng xây dựng hệ thống đường thông minh, sử dụng năng lượng mặt
trời để sưởi ấm toàn bộ mặt đường, qua đó không những khắc phục tình
trạng đóng băng vào mùa đông mà còn cung cấp năng lượng cho các mục đích
khác.
Ý tưởng đầu tiên là của Scott Brusaw - một kỹ sư điện 53 tuổi đến từ
Idaho, muốn thay toàn bộ vật liệu bê tông dùng làm đường hiện nay bằng
kính siêu cứng. Như thế, toàn bộ con đường sẽ trở thành 1 tấm thu năng
lượng mặt trời khổng lồ, và nhiệt lượng tích tụ được sẽ sử dụng để vận
hành các thiết bị sưởi ấm đặt bên dưới mặt đường. Theo Scott, nguồn năng
lượng có được ngoài việc sưởi ấm mặt đường còn có thể được cung cấp cho
hệ thống đèn giao thông, đèn báo hiệu và là nguồn sạc cho các phương
tiện chạy điện. Ông tự tin cho biết, nếu ý tưởng này được chấp nhận, nó
có thể trờ thành 1 giải pháp năng lượng sạch, giúp giảm bớt sự phụ thuộc
vào nhiên liệu hóa thạch và ít gây ô nhiễm môi trường.
Mặc dù nhận được sự quan tâm từ chính quyền liên bang, Scott cũng gặp
phải 3 vấn đề cần phải giải quyết là: làm sao chế tạo được vật liệu kính
có tính chất tương tự như bê tông, chi phí cho dự án và liệu với dòng
lưu thông dày đặc như hiện nay, mặt đường có thể hấp thụ đủ lượng năng
lượng mặt trời cần thiết? Hiện nay, Scott đang làm việc với các nhà
nghiên cứu về kính thuộc đại học Dayton and Penn để phát triển chất liệu
kính siêu cứng.
Thiết kế mặt đường của Scott bao gồm: kính siêu cứng,
tấm pin mặt trời, tấm sưởi và đèn báo hiệu
Scott Brusaw không phải là người duy nhất nghĩ đến ý tưởng "đường thông
minh". Tại Viện bách khoa Worcester, Massachusetts, kỹ sư dân dụng Rajib
Mallick lại có 1 ý tưởng khác để sản sinh năng lượng từ mặt đường. Với
sự giúp đỡ của Tổ chức khoa học quốc gia và Trung tâm công nghệ
Masachusetts, Rajib và các đồng sự đang bước vào giai đoạn phát triển và
thử nghiệm các loại mặt đường hấp thụ nhiệt có độ bền cao.
Một trong những ý tưởng của nhóm nghiên cứu là đặt những ống dài đường
kính 12,5 mm có chứa chất lỏng chống đông phía dưới mặt đường. Vào mùa
nóng, dung dịch này sẽ hấp thụ nhiệt năng và được trữ trong những buồng
kín không thoát nhiệt. Đến mùa đông, nó sẽ được bơm vào đường ống dẫn để
làm tan chảy băng và tuyết trên đường. Theo tính toán của nhóm nghiên
cứu, 55 m đường ống có chi phí lắp đặt là 12.500 USD, phí bảo dưỡng hàng
năm là 1.000 USD, và sẽ sản sinh ra 1 lượng điện năng đủ cung cấp cho
55 căn nhà trong 1 tháng. Như vậy, vốn đầu tư sẽ được thu hồi chỉ sau 6
năm và lợi ích thu được là rất đáng kể.
Nhóm cộng sự của Rajib đang thử nghiệm nối dây vào mặt đường
Nhà
kính là một giải pháp hữu hiệu để bạn có thể trồng nhiều vụ mùa trong
suốt cả năm. Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao bất thường, bức xạ mặt trời
cộng với sự thiếu hụt về áp suất hơi nước có thể gây ra những vấn đề cho
cây trồng trong những tháng hè. Các giải pháp thông thường như lắp màng
tạo bóng râm lại tốn nhân lực và giảm chất lượng ánh sáng trong khu vực
trồng trọt. Vì vậy, công ty Sunarc Canada mới đây đã phát triển một hệ
thống tạo bóng mát bằng bọt lỏng mô phỏng sự che phủ của mây trên bầu
trời cho nhà kính. Khi bọt lỏng lọc ánh nắng, nó sẽ giảm bớt các bức xạ
mặt trời và điều khiển nhiệt độ nhưng vẫn không làm mất đi quang phổ ánh
sáng cần thiết cho quá trình quang hợp của cây.
Các tấm che được làm từ 2 lớp polyethylene và ở giữa 2 lớp này, bọt sẽ
được bơm vào khi cần. Càng bơm nhiều bọt thì mức độ bao phủ bóng râm
càng lớn. Một hệ thống cảm biến đóng vai trò kiểm soát môi trường vi khí
hậu bên trong khu vực canh tác sẽ điều chỉnh bọt và vòi phun đáp ứng
với từng điều kiện khác nhau. Bên cạnh đó, phần mềm cũng được lập trình
để kiểm soát và vận hành hệ thống qua một máy tính từ xa.
Công nghệ trên mang lại nhiều cấp độ điều hòa với tỉ lệ bóng râm từ 20
đến 45%. Vào ban đêm hay trong nhưng ngày trời lạnh u ám, bọt sẽ được
rút khỏi các tấm che trên mái và từ các mặt nhà kính sau đó đổ vào một
bể chứa. Với nhiều cấp độ điều hòa, hệ thống cho phép cây sinh trưởng
dưới tỉ lệ bóng râm 20-25% vào buổi sáng/chiều và tỉ lệ bóng râm sẽ
nhiều hơn vào giữa ngày với 30-35%. Qua kiểm chứng, bọt lỏng cho thấy
khả năng làm giảm nhiệt độ trong nhà kính lên đến 6% so với các giải
pháp che phủ thông thường. Điều này rất quan trọng bởi nhiều loài thực
vật sẽ ngừng quá trình quang hợp tại những thời điểm nóng nhất trong
ngày do ứng suất nhiệt.
Hệ thống của Sunarc đã được thử nghiệm trong thời gian hơn 2 năm với các
vụ mùa cà chua và tiêu ngọt bên cạnh hệ thống tạo bóng mát bằng màng
che thông thường. Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về 2 môi trường
vi khí hậu: 1. Bên trong nhà kính bao gồm các chỉ số về bức xạ mặt
trời, nhiệt độ không khí và độ ẩm. 2. Nhiệt độ dưới lá, giữa thân cây và
sự thông thoáng gió.
Theo kết quả thu được từ quá trình thử nghiệm, công nghệ đã cho thấy
những lợi ích bằng việc tăng độ ẩm lên 12% trong nhà kính, giảm tần số
hoạt động của hệ thống thông hơi trên mái và kéo dài thời gian giữ mát
của thân cây sau khi ngừng tạo bóng râm. Qua đó, Sunarc cho rằng sản
lượng vụ mùa sẽ tăng từ 10 đến 20% nếu sử dụng công nghệ bọt lỏng thay
vì các giải pháp tạo bóng râm thông thường.
Paladi (Pd)
là một kim loại xuất hiện trên rất nhiều sản phẩm khác nhau. Nó chủ yếu
được sử dụng để chế tạo vật liệu nội xúc tác dành cho các bộ chuyển đổi
xúc tác trên xe hơi và có mặt trên hầu hết các thiết bị điện tử. Với
nhu cầu ngày càng tăng cao cộng với việc Paladi là một kim loại hiếm nên
giá của nó hiện nay vào khoảng 800$/ounce tương đương 15,7 triệu đồng
Việt Nam cho mỗi 28,35 gram. Vì vậy, các nhà nghiên cứu Nhật Bản mới đây
đã sử dụng công nghệ nano và thuật giả kim để tạo nên một hợp kim mới
với đặc tính y hệt Paladi.
Giáo sư Hiroshi Kitagawa đến từ đại học Kyoto cùng các cộng sự cho biết công nghệ nano mà họ sử dụng cho phép kết hợp giữa Rhodi (Rh) và bạc (Ag)
để tạo ra hợp kim. Sau khi làm tan chảy ở nhiệt độ cao, Rhodi và bạc
thường không trộn lẫn vào nhau và vẫn giữ sự tách biệt giống như dầu mỏ
nổi trên nước. Để trộn lẫn, họ tạo ra một dung dịch chứa lượng Rhodi và
bạc ngang bằng sau đó tiến hành "phun" từ từ vào nhau. Dưới tác động
nhiệt của cồn nóng, Rhodi và bạc sẽ trộn lẫn một cách vững chắc ở cấp độ
nguyên tử. Rhodi, Paladi và bạc có số electron lần lượt là 45, 46 và
47. Số lượng electron sẽ quyết định đặc tính hóa học của kim loại và
theo giáo sư Hiroshi, quỹ đạo của electron trong nguyên tử Rhodi và bạc
có thể kết hợp để tạo ra quỹ đạo tương tự của các electron trong nguyên
tử Paladi. Suy ra, hợp kim Rhodi-bạc sẽ có đặc tính tương đương Paladi.
Đây là một phát hiện quan trọng bởi trữ lượng Paladi lớn nhất hiện nay
chỉ tập trung chủ yếu tại Nga và châu Phi. Vừa qua, bộ công nghiệp Nhật
Bản cũng đã lên danh sách 31 kim loại hiếm bao gồm cả Paladi và Lithi
là 2 kim loại đang được sử dụng trong nhiều sản phẩm công nghiệp như
thiết bị điện tử và pin. Trong 31 kim loại được liệt kê thì có 17 kim
loại được xem là tài nguyên hiếm của Trái Đất. Nhật là một đất nước
nghèo tài nguyên nên đa phần nguyên liệu vẫn phải nhập từ Trung Quốc và
vì vậy, phát hiện mới của giáo sư Hiroshi sẽ giúp Nhật Bản bớt đi phụ
thuộc vào các nước khác đối với nguồn cung cấp kim loại hiếm.