Những chiếc điện thoại thông minh ngày nay đã chứng minh sự giá trị của nó về khả năng dẫn đường.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta đề cập đến tiện ích dẫn đường dành cho người
bình thường (sáng mắt), vậy đối với những người không bình thường (mù hoặc khiếm thị) thì sao? Một hệ thống ý tưởng có tên Blinput dưới đây sẽ cho phép người khiếm thị không những tìm được đường đi mà còn tương tác
với thế giới bằng chiếc camera tích hợp trên smartphone của mình. Dữ
liệu và thông tin liên quan sẽ được thu thập sau đó chuyển tiếp lên đôi
tai của họ qua một cặp tai nghe. Để thiết lập hệ thống, người khiếm thị sẽ đeo một chiếc smartphone trên
cổ với camera hướng ra ngoài và đeo thêm một cặp tai nghe để nghe các âm
thanh 3D. Âm thanh là một yếu tố rất quan trọng đối với người khiếm thị
và chiếc tai nghe này sẽ vừa cung cấp các âm thanh hướng dẫn vừa cho
phép họ nghe được các âm thanh từ môi trường xung quanh.
Để điểu khiển hệ thống, người dùng sẽ giữ bàn tay trước camera của
smartphone, di chuyển tay lên xuống để cuộn giữa các lựa chọn và kẹp nhẹ
các ngón tay lại để chọn. Dĩ nhiên họ có thể thực hiên thao tác này nhờ
những hướng dẫn phát qua cặp tai nghe. Đây là một phương thức tương tác
đơn giản, nó không những cho phép người dùng biết được đường đi mà còn
có thể tương tác với các thiết bị công cộng như máy bán hàng tự động
hoặc máy bán vé xe buýt nếu chúng được trang bị hệ thống nhận dạng tầng
số vô tuyến (
RFID) hoặc
Bluetooth.
Thêm vào đó, ý tưởng còn hướng đến việc các cửa hàng sẽ thiết lập các
biển báo nhằm giúp người khiếm thị có thể dễ dàng tìm ra món hàng cần
mua. Một khi họ tìm ra lối đi đến gian hàng có sản phẩm cần thiết, họ có
thể nhận biết từng loại sản phẩm bằng việc hướng mã vạch của sản phẩm
vào camera đeo trước ngực. Vì tất cả nội dung liên quan đến sản phẩm
được lưu trữ trên máy chủ qua mạng Internet thay vì trên điện thoại nên
người dùng sẽ có được cái nhìn rộng hơn về sản phẩm chẳng hạn như các
trở ngại, vấn đề về sản phẩm hoặc mức độ ưa thích của sản phẩm.
Ngoài ra, hệ thống còn có thể thông báo cho người dùng khi một hay nhiều
người bạn của họ đang ở gần và dẫn đường cho họ bằng âm thanh 3D. Sau
đó, hệ thống sẽ sử dụng các phương pháp nhận dạng khuôn mặt để phân tích
cảm xúc của người đối diện và phiên dịch hình ảnh thành các rung động
riêng biệt. Qua đó, người dùng có thể biết bạn mình đang vui hay buồn
qua 2 mức rung Happy và Sad (hình trên).
Hệ thống Blinput độc đáo trên là một ý tưởng phát minh của nhà thiết kế
người Na Uy - Erik Hals. Mặc dù hệ thống vẫn đang ở những giai đoạn đầu
tiên và cần một khoảng kinh phí để phát triển hơn nữa nhưng chúng ta có
thể thấy hầu hết các công nghệ áp dụng đều đã có sẵn. Trên thực tế thì
trở ngại lớn nhất đối với hệ thống là làm thế nào để duy trì hoạt động
của camera khi pin vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với các smartphone
hiện nay. Tuy vậy, vẫn còn thời gian để những nỗ lực của Erik Hals trở
thành hiện thực và hy vọng Blinput sẽ trở thành một công cụ tuyệt vời
dành cho người khiếm thị trong tương lai.